✨Một người đàn ông thông minh là người sẽ mắc sai lầm, học hỏi từ nó và không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa.” – Roy H. Williams (1958-), tác giả và chuyên gia tiếp thị người Mỹ ✨.
Hãy nghĩ lại lần cuối cùng mà bạn phạm phải sai lầm trong công việc. Ngay cả khi đó là một lỗi sai rất nhỏ nhặt, chẳng hạn như làm đổ cà phê vào tài liệu vài giây trước khi thuyết trình, bạn có thể sẽ cảm thấy hoảng loạn và rồi quên hết mọi thứ mình đã chuẩn bị từ trước.
Không có ai là không mắc sai lầm – suy cho cùng thì chúng ta cũng là con người! Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản xin lỗi và tiếp tục những lỗi sai đó thì sẽ lặp lại những lỗi tương tự vào một ngày nào đó.
Không học hỏi từ những sai lầm của mình đồng nghĩa với việc gây ra những căng thẳng không cần thiết cho bản thân và người khác, và có nguy cơ đánh mất niềm tin và sự tin tưởng của mọi người dành cho chúng ta. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng xem xét các phương pháp giúp tiếp thu và áp dụng những gì chúng ta học được từ sai lầm
🔥 Làm thế nào để ngừng lặp lại sai lầm
Dưới đây là năm bước để giúp bạn học hỏi từ những sai lầm của mình và áp dụng những gì bạn khám phá được vào thực tế.
“Làm sai” không giống như “thất bại”. Thất bại là kết quả của việc làm sai, trong khi sai lầm lại chính là việc làm sai. Vì vậy, khi bạn mắc sai lầm, bạn có thể học hỏi từ nó và sửa chữa nó, trong khi bạn chỉ có thể học hỏi từ thất bại.
1. Làm chủ sai lầm🌟
Bạn không thể học được bất cứ điều gì từ một sai lầm cho đến khi bạn thừa nhận rằng bạn đã làm sai. Vì vậy, hãy hít thở thật sâu và thừa nhận nó, và sau đó làm chủ nó. Hãy gặp gỡ những người mà mình mắc sai lầm với họ, xin lỗi và nói với họ rằng bạn đang tìm ra giải pháp.
Nói “xin lỗi” cần có dũng khí, nhưng tốt hơn hết là bạn nên chân thành trong lời xin lỗi của mình hơn là che giấu lỗi lầm hoặc tệ hơn là đổ lỗi cho người khác. Về lâu dài, khi họ đã quên đi lỗi lầm ban đầu thì mọi người sẽ chỉ ghi nhớ đến lòng dũng cảm và sự chính trực của bạn.
Tuy nhiên, nếu họ thấy điều ngược lại, danh tiếng của bạn sẽ bị ảnh hưởng và bạn có thể không còn cơ hội sửa chữa nữa.
2. Sửa chữa sai lầm🌟
Cách bạn nhìn nhận những sai lầm của mình quyết định cách bạn phản ứng với chúng và những gì bạn làm tiếp theo.
Miễn là bất kỳ cú sốc và khó chịu ban đầu nào vẫn còn tồn tại thì rất có thể bạn sẽ nhìn nhận lỗi lầm của mình dưới góc nhìn hoàn toàn tiêu cực. Nhưng, nếu bạn có thể coi sai lầm của mình như một cơ hội để học hỏi, bạn sẽ thúc đẩy bản thân trở nên hiểu biết và kiên cường hơn.
Khi bạn đã thừa nhận sai lầm của mình, hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì để ngăn điều đó xảy ra lần nữa. Ví dụ: nếu bạn không tuân theo một quy trình, hãy cân nhắc sử dụng một danh sách các công việc cần làm hoặc một tài liệu quy trình rõ ràng hơn.
Hãy ngừng đổ lỗi cho bản thân, dừng lại một chút để suy ngẫm và bắt đầu suy nghĩ về cách bạn có thể đạt được lợi ích từ tình huống này.
Mẹo:
Tư duy của bạn đóng một vai trò quan trọng trong cách bạn nhìn nhận sai lầm của mình và quan trọng là cách bạn phản ứng với chúng.
Nếu bạn có tư duy cầu tiến, bạn có thể coi sai lầm là cơ hội để cải thiện chứ không phải là thứ mà bạn buộc phải lặp lại vì tư duy của bạn luôn khẳng định với niềm tin rằng bạn không thể cải thiện.
Ghi chú:
Cơ hội học tập không phải là một cái cớ cho những hành vi bất cẩn!
Thay vào đó, thừa nhận những sai lầm của bạn và thể hiện những điều bạn đã học được từ chúng có thể giúp người khác hiểu rằng phạm sai lầm cũng là điều hiển nhiên. Điều đó có nghĩa là, miễn là bạn hành động một cách thông minh, thiện chí và chấp nhận rủi ro trong các ranh giới đã thỏa thuận.
Mô hình hóa cách tiếp cận này để khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro một cách trách nhiệm và sáng tạo hơn.
3. Phân tích sai lầm của bạn🌟
Tiếp theo, bạn cần phân tích lỗi lầm của mình một cách trung thực và khách quan. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
• Tôi đang cố gắng làm gì?
• Có chuyện gì đã xảy ra?
• Sai lầm xảy ra khi nào?
• Tại sao nó lại sai?
Trong bài viết của chúng tôi, kỹ thuật 5 Whys là một công cụ đơn giản có thể xác định nguyên nhân của các vấn đề đơn giản hoặc khó khăn ở mức độ vừa phải. Để áp dụng nó vào thực tiễn, hãy tiếp tục hỏi “Tại sao?” cho đến khi bạn tìm được nguyên nhân gốc rễ.
Đối với các vấn đề phức tạp hoặc nghiêm trọng hơn, chúng ta có thể sử dụng công cụ chuyên sâu hơn, chẳng hạn như Biểu đồ Yếu tố Nhân quả.
Tiến hành mổ xẻ và phân tích lỗi sai này sẽ tiết lộ điều gì đã dẫn đến sai lầm và làm nổi bật những gì cần thay đổi để tránh lặp lại.
4. Áp dụng các bài học vào thực tiễn🌟
Điều nguy hiểm ở giai đoạn này là áp lực công việc buộc bạn phải quay lại những công việc thường ngày và những hành vi theo thói quen. Những bài học mà bạn đã xác định trong Bước 3 có thể nhàm chán, không được thực hiện cho dù đó là những lời khuyên tốt. Nói cách khác,lý thuyết là một chuyện, nhưng áp dụng chúng vào thực tế lại là một chuyện khác!
Rất có thể, hành động theo những gì đã học được đòi hỏi kỷ luật và động lực để thay đổi thói quen của bạn hoặc thay đổi cách làm việc của nhóm. Làm như vậy sẽ giúp bạn tránh được việc tự hủy hoại bản thân trong tương lai, đồng thời cho phép bạn gặt hái được những thành quả và lợi ích từ việc thực hiện các phương pháp làm việc tốt hơn.
Ở đây, bạn cần xác định các kỹ năng, kiến thức, tài nguyên hoặc công cụ giúp bạn không lặp lại những sai lầm.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận, bởi vì “sửa chữa nhanh” có thể sẽ dẫn đến những sai lầm tiếp theo. Bất kỳ hành động nào mà bạn áp dụng bài học của mình vào thực tiễn cần phải có sự kiên trì và cam kết thực hiện nó.
Nếu bạn mắc những sai lầm nhỏ hoặc do lỗi cá nhân, thì các mục tiêu cá nhân và kế hoạch sẽ đặt nền tảng cho việc thực hiện các bài học bạn đã học được. Chúng cung cấp cho bạn lịch trình làm việc và danh sách các nhiệm vụ mà bạn cần phải hoàn thành.
Các công cụ mà bạn sử dụng từ đó sẽ phụ thuộc vào các bài học cụ thể mà bạn cần áp dụng vào thực tế.
Ví dụ, nếu bạn biết được rằng một sai lầm xảy ra do bạn hay quên, bản ghi chép tóm tắt hoặc việc chú ý nhiều hơn đến chi tiết có thể giúp ích. Nếu bạn nhận thấy rằng kỹ năng tổ chức của mình thấp, thì các bảng tính và kế hoạch kỹ thuật số sẽ rất hữu ích.
Hoặc, nếu bạn phát hiện ra rằng một sai lầm xảy ra do sự hiểu lầm giữa các nền văn hóa, kỹ năng giao tiếp của bạn có thể cần phải tinh tế hơn.
Nếu sai lầm mang tính tổ chức hơn là do cá nhân, bạn có thể cần triển khai cải thiện sai lầm của mình theo cách sâu rộng hơn. Ví dụ, viết các quy trình rõ ràng hơn có thể giúp đảm bảo rằng nhiều việc được hoàn thành mà không mắc phải sai lầm.
Và, nếu bạn biết rằng sản phẩm mới của mình không đủ đặc biệt để thành công, bạn có thể cần phải xem xét lại toàn bộ chiến lược của mình.
Mẹo #1
Học hỏi từ những sai lầm, và áp dụng vào thực tế, liên quan đến sự thay đổi. Nếu sự thay đổi đó ảnh hưởng đến những người khác, thì Mô hình Quản trị Thay đổi ADKAR có thể giúp bạn đưa chúng “vào cuộc” – và giữ chúng ở đó.
Mẹo #2
Đừng ngại nhờ đồng nghiệp hoặc người quản lý của bạn giúp đỡ nếu bạn không chắc chiến thuật hoặc công cụ nào sẽ hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa những sai lầm tiếp theo.
Sự đóng góp của người xung quanh là một cách tuyệt vời để khiến họ cảm thấy được đầu tư – và nó có thể đặc biệt quan trọng khi mắc sai lầm trong nhóm hoặc tổ chức. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng một môi trường nơi mọi người cảm thấy thoải mái khi thể hiện ý tưởng của mình.
5. Xem lại quá trình🌟
Bạn có thể phải thử một số cách để áp dụng bài học vào thực tế trước khi tìm ra cách ngăn bạn lặp lại các lỗi trong quá khứ. Chu trình Kế hoạch-Thực hiện-Kiểm tra-Hành động là một công cụ tuyệt vời để xác định các giải pháp hiệu quả nhất.
Từ đó, theo dõi hiệu quả của chiến thuật bạn đã chọn bằng cách xem xét số lượng và bản chất của những sai lầm có – hoặc không!. Yêu cầu ai đó nhắc nhở bạn phải có trách nhiệm, điều này có thể giúp bạn luôn cam kết với hướng hành động mới của mình.
🌟 Kết luận
Sai lầm là do bản thân, và chúng ta không cần phải trừng phạt bản thân vì những sai lầm mà chúng ta mắc phải. Chúng có thể là những cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển ở cấp độ cá nhân cũng như tổ chức. Chúng ta chỉ cần học hỏi từ chúng và áp dụng bài học vào thực tế.
Khi bạn hoặc một trong các thành viên trong nhóm mắc lỗi:
• Làm chủ sai lầm. Đừng chơi “trò đổ lỗi.” Điều này có hại về lâu dài và bạn sẽ mất đi tiềm năng học hỏi.
• Khắc phục lỗi lầm của bạn như một cơ hội để học hỏi và phát triển.
• Xem lại những gì đã xảy ra, để hiểu và học hỏi từ sai lầm.
• Xác định các kỹ năng, kiến thức, nguồn lực hoặc công cụ giúp bạn không lặp lại lỗi.
• Xem xét sự tiến bộ của bạn.
______________________________________________________
Tác giả: Mind Tools Content Team
Link bài gốc: https://www.mindtools.com/pages/article/learn-from-mistakes.htm
Dịch giả: Trang Lee – Nguồn: ToMo – Learn Something New
______________________________________________________
📌 Xin chân thành cảm ơn tác giả và độc giả đã có những chia sẻ hết sức bổ ích tới mọi người. Mong rằng những chia sẻ này có thể giúp mọi người khắc phục được sai lầm và biến nó thành cơ hội!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3607
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 20