Nếu bạn đang căng thẳng, lo lắng, sợ hãi trong quá trình tìm việc, bài viết này chia sẻ một số cách bạn có thể áp dụng để xử lý những vấn đề trên.
Nếu tìm việc suôn sẻ thì không sao, nhưng chẳng may tìm hoài không được thì chắc chắn tâm trạng sẽ rất không ổn. Cảm giác này có thể đến từ việc sợ thất nghiệp lâu kỹ năng sẽ thụt lùi đi, hay lo lắng vì sắp hết tiền, hay nghi ngờ bản thân vì sao nộp đơn nhiều chỗ mà không được gọi.
Những cảm giác này có thể hạn chế được phần nào, nếu bạn biết cách. Bài viết này chia sẻ về một số cách mình thường áp dụng.
💡CÓ RẤT NHIỀU LÍ DO ĐỂ LO LẮNG
Mỗi người có một hoàn cảnh sống, một mối quan tâm riêng – chính vì thế sự lo lắng của chúng ta cũng đến từ những lý do rất khác nhau. Tổng hợp từ các ca tư vấn tìm việc , đây là một vài lí do phổ biến.
📍Lo Lắng Vì Công Việc Cao/Khó Hơn Năng Lực Bản Thân
Có những bạn rất thích một công việc nọ, nhưng vẫn ngần ngại lo lắng không dám nộp vì sợ công việc đó hơi khó và đòi hỏi nhiều hơn những gì bản thân đang có.
Bí kíp xử lý: chia nhỏ từng gạch đầu dòng JD công việc và kỹ năng ở trong JD, nhìn xem những gạch đầu dòng nào bạn có thể làm được, ở mức độ nào trên thang điểm 10? Những cái nào cần phải cải thiện, cải thiện như thế nào. Việc chia nhỏ ra nhìn từng thứ thay vì nhìn một cục sẽ giúp bạn thấy vấn đề dễ xử lý hơn.
📍Lo Lắng Vì Tìm Việc Lâu
Có những bạn lại lo lắng vì sợ mất nhiều thời gian tìm việc, 2-3 tháng vẫn không có kết quả thì không ổn.
Bí kíp xử lý: chuyển sự chú ý từ việc bao lâu mình sẽ có việc sang việc ngày hôm nay mình cần làm là gì? Ví dụ hôm nay cần cập nhật lại LinkedIn, cần gửi đơn đến 3 chỗ, cần viết Cover Letter… Tạm ngưng suy nghĩ chuyện tương lai và tập trung cho hiện tại.
📍Sợ Không Ai Tuyển Mình
Lại có những bạn do nộp đơn một vài chỗ thất bại mà cứ tự nói những điều tiêu cực với bản thân về việc sẽ chẳng có ai tuyển mình hết, mình sẽ thất nghiệp suốt đời luôn.
Bí kíp xử lý: Đọc hoặc trò chuyện với ai đó, hỏi về con đường nghề nghiệp của họ, bạn sẽ thấy họ cũng có rất nhiều khó khăn, họ cũng đã từng giống như bạn – họ vượt qua được thì bạn cũng vượt qua được. Ngoài ra, mỗi khi lo lắng, bạn có thể chuyển năng lượng tiêu cực đấy sang một điều gì đó tích cực hơn, ví dụ lên mạng kiếm một khóa học online chẳng hạn.
💡MỘT SỐ CÁCH GIẢM THIỂU SỰ LO LẮNG.
📍Dành Thời Gian Làm Những Việc Nhỏ
Như đã chia sẻ ở trên, thay vì nhìn vào một bức tranh toàn cảnh và ngồi lo lắng về nó, bạn có thể tìm một vài việc nhỏ và bắt tay vào làm trong thời gian chờ đợi. Ví dụ như là:
- Nộp đơn lấy bảo hiểm thất nghiệp. Nếu bạn đã đi làm một thời gian và có khoản này, thử thôi.
- Học cách viết một bản CV hoàn chỉnh.
- Cập nhật lại LinkedIn.
- Xin References, thư giới thiệu từ những người sếp hoặc các anh chị đã làm việc cùng, có thể dùng cho vào Portfolio hoặc đưa lên LinkedIn.
📍Xem Tìm Việc Như Công Việc Toàn Thời Gian
Nếu bạn muốn coi việc tìm việc là một điều nghiêm túc cần tập trung, bạn có thể coi việc tìm việc như một công việc toàn thời gian. Tức là dành thời gian 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để tập trung làm các công việc hỗ trợ cho việc tìm việc. Ví dụ như chỉnh sửa CV, liên hệ mạng lưới chuyên nghiệp, tham gia các sự kiện, gửi đơn cho các công ty. Bạn có thể tham khảo về các bước tìm việc trong một ngày đã chia sẻ trong bài viết này.
📍Dành Thời Gian Chuẩn Bị
Bạn có thể chuẩn bị những việc sau:
- Tập giới thiệu bản thân trong 1 phút. Bạn có thể tập nói với bạn bè, hoặc quay video lại, tập đến khi nhuần nhuyễn. Đây là một hướng dẫn bạn giới thiệu bản thân.
- Tìm hiểu về công ty mà bạn đang quan tâm. Lên website công ty đó nghiên cứu về sản phẩm, con người, tầm nhìn, mục tiêu. Nếu biết trước người sẽ phỏng vấn, bạn có thể thử tìm thông tin về người đó trên LinkedIn để xem mặt mũi họ ra sao.
- Tập trả lời một số câu phỏng vấn cơ bản. Ví dụ Tuấn Anh có để tại đây.
📍Công Ty Tìm Người Như Thế Nào?
Đừng kỳ vọng bạn sẽ nộp đâu trúng đó. Tìm việc là một quá trình mà bạn cần đầu tư chỉn chu cho nó. Bạn có thể trượt 2-3 vị trí nhưng không có nghĩa là bạn không có năng lực, chỉ đơn giản là bạn chưa phải người phù hợp mà công ty cần, hoặc có thể bạn cần xem lại về kỹ năng viết hồ sơ hoặc chuẩn bị phỏng vấn.
Tìm việc không chỉ đơn giản là viết CV và gửi lên một trang tuyển dụng, tìm việc còn là xây dựng LinkedIn, xin references, tham gia các sự kiện, phỏng vấn – hãy đầu tư vào tất cả những thứ này.
📍Hãy Dành Chút Thời Gian Cho Bản Thân
Đúng là công việc rất quan trọng, nhưng không có nghĩa bạn bỏ hết tất cả mọi thứ để dành cho việc tìm việc. Càng nghĩ nhiều về chuyện tìm việc, bạn càng dễ stress. Thay vào đó, hãy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho chuyện tìm việc. Thời gian khác, hãy dành để tập thể dục, yoga, đọc sách, dắt chó đi dạo hay bất kỳ việc gì cho bản thân. Khi bạn cảm thấy tích cực, những điều tích cực sẽ đến với bạn.
📍Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ
Không có gì xấu hổ nếu bạn đi tìm một ai đó giúp đỡ về chuyện tìm việc cả. Một trong những cách để giảm bớt lo lắng là nói chuyện với ai đấy. Có thể là một người làm tư vấn hướng nghiệp hoặc có thể là một anh chị nào đó có kinh nghiệm bạn đã biết, nghe họ chia sẻ về những bài học cuộc sống, những trải nghiệm là một cách để bạn cảm thấy tự tin hơn.
———————————————————————
Bài viết được chia sẻ từ trang blog anhtuanle.com
Chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/2598
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 11