Bạn mất rất lâu để hiểu những gì mình đang đọc? Bạn muốn tăng tốc độ đọc sách của mình lên? Vậy có lẽ điều bạn thiếu chính là phương pháp đọc sách hiệu quả và dưới đây là những mẹo giúp bạn đọc nhanh hơn mà vẫn nắm bắt được nội dung💁♀️.
1. Đọc có mục đích✨
Lời khuyên đầu tiên mình đưa ra chính là bạn nên tìm cho mình một mục đích để đọc sách. Đây là chiến lược tốt nhất để có thể đọc hiệu quả.
Giữa nhịp sống hối hả thì đọc sách chính là một cách để bạn chậm lại, dành toàn tâm cho cuốn sách đó, bất kể thể loại là gì.
Lí do mình đưa ra lời khuyên như vậy chính là vì nếu não bộ của bạn không thể tập trung và không kịp xử lý thông tin bạn đưa vào, những thông tin ấy sẽ biến mất rất nhanh. Đó là lí do bạn nên đọc có mục đích vì nếu không có mục đích thì bạn sẽ không thể tập trung.
Để đọc sách có mục đích, bạn có thể chia sách thành ba loại:
- Những cuốn sách củng cố kỹ năng – Chúng chứa đựng những kiến thức đã được tích lũy qua nhiều năm mà bạn có thể tiếp cận một cách nhanh chóng.
- Những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện về thành công và cho phép bạn tìm hiểu về cuộc sống của những người khác, những khó khăn mà họ từng trải qua – Cho dù bạn và những người đó là các cá nhân hoàn toàn khác nhau, nhưng đọc về những trải nghiệm họ đã trải qua giống như một cách để chuẩn bị cho bản thân trong tương lai.
- Những cuốn sách cho phép bạn trải nghiệm cuộc sống một cách khác biệt so với hiện tại – Cho phép bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và con người.
Bằng cách nhóm sách thành những danh mục như vậy, bạn có mục đích rõ ràng khi đọc sách và xử lý thông tin theo cách tương tự.
2. Tìm hiểu trước✨
Mình đã đọc khá nhiều sách trong những năm qua, và càng đọc nhiều sẽ mình càng nhận ra rằng nhiều tác giả – nhất là những tác giả viết thể loại hư cấu viễn tưởng – có những ý tưởng khá tương tự nhau. Cái nhìn của mỗi tác giác có thể khác nhau nhưng có những khái niệm, đặc trưng không thay đổi.
Đây là lúc chiến lược thứ hai phát huy tác dụng vì nó yêu cầu bạn tìm hiểu trước về chủ đề mà bạn muốn đọc. Một cuốn sách, một bài báo có thể nâng cao kiến thức của bạn, nhưng đọc có chọn lọc giúp bạn tăng tốc độ đọc hiểu vì bạn đã có những kiến thức nhất định về chủ đề đó.
Và bởi vì bạn đã có kiến thức trước, bạn không cần đọc lại những gì bạn đã biết mà bạn có thể nhanh chóng đi đến phần thông tin chính mà tác giả muốn truyền tải.
3. Dự đoán✨
Mở rộng từ việc tìm hiểu trước, việc dự đoán nội dung cuốn sách hoặc bài báo bạn sắp đọc khiến bạn có những kỳ vọng nhất định về nội dung mình sắp đọc.
Ví dụ: khi bạn đọc tiêu đề của bài đăng này, bạn mong đợi có thể đọc về các chiến lược giúp bạn đọc sách hiệu quả hơn. Bạn không mong đợi điều gì khác ngoài điều đó.
Tương tự với việc tìm hiểu trước, việc dự đoán nội dung, bạn có thể nhanh chóng bỏ qua những nội dung bạn đã biết và tìm được những nội dung mới bạn chưa gặp bao giờ.
4. Xác định nội dung chính✨
Mỗi cuốn sách đều có phần tóm tắt để thu hút người đọc, nhưng bạn sẽ tìm được tóm tắt chi tiết hơn khi đọc mục lục có tên các chương của cuốn sách. Để tìm hiểu cuốn sách, bạn phải tìm ra nội dung chính mà cuốn sách muốn trình bày cho bạn. Hơn nữa, bằng cách diễn đạt lại nội dung theo cách hiểu của chính mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về nó.
Nội dung chính của cuốn sách cũng có thể được giải thích trong phần lời nói đầu. Hầu hết các sách phi hư cấu đều có phần giải thích các luận điểm xung quanh nội dung chính và nói rằng vì sao bạn nên tiếp tục đọc cuốn sách trong lời nói đầu.
Thông thường, nội dung chính nằm lời mở đầu và đại diện cho toàn bộ nội dung của cuốn sách. Biết được nội dung chính của cuốn sách cho phép bạn tiếp thu thông tin trong ngữ cảnh. Họ giải thích khái niệm này vì nó liên quan đến nội dung chính mà họ đang cố gắng truyền đạt.
Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian đọc vì nếu trước đó bạn đã quen thuộc với chủ đề của cuốn sách, bạn còn có thể kiểm tra thông tin trong đó. Hơn nữa, bạn sẽ có thể ghi nhớ thông tin tốt hơn vì bạn có thể đã nắm chắc được nội dung chính, chủ đề chính của tác phẩm.
5. Đặt câu hỏi✨
Trước lúc đọc sách thì đặt ra các câu hỏi là một cách hay để hiểu rõ cuốn sách hơn. Để làm được điều này thì có lẽ bạn cần đọc lướt qua cuốn sách và đặt câu hỏi cho bản thân dựa trên những gì đã đọc lướt qua. Các câu hỏi có thể xuất phát từ những câu khác nhau hoặc từ tiêu đề, tên chương của tác phẩm.
Bằng cách đặt câu hỏi, bạn vô thức muốn tìm câu trả lời những câu hỏi đó. Và như thế, bạn hiểu nội dung trong cuốn sách nhanh hơn vì bạn đang tìm kiếm câu trả lời từ cuốn sách đó.
Bạn đặt ra câu hỏi như thế nào là tùy thuộc vào bạn ví dụ như thường xuyên nghĩ về chúng hoặc viết lại các câu hỏi vào lề phải sách khi chúng nảy ra trong đầu bạn. Khi bạn đọc và tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi đó, bạn có thể đánh dấu chúng vào lề trái hoặc gạch dưới câu trả lời và ghi lại số trang bên dưới câu hỏi.
6. Suy luận✨
Đây là một kỹ năng mà không phải ai cũng có – có khả năng sử dụng. Suy ngẫm, suy luận dường như là một chiến lược phản tác dụng vì cách suy nghĩ của mỗi người ít nhiều sẽ khác với ý đồ của tác giả. Nhưng ngược lại, suy luận là một quá trình học hỏi và có thể phát triển qua thời gian.
Mọi suy đoán của bạn đều sai? không sao cả vì quá trình suy luận khuyến khích khám phá và tiếp thu thông tin hơn ở cấp độ sâu hơn. Điều này làm tăng khả năng đọc hiểu một cách tự nhiên.
Suy luận là để rút ra kết luận của riêng bạn. Tác giả đưa ra các thông tin và bạn có thể tự suy luận và đưa ra tất cả các loại câu hỏi. Vì sao tác giả lại viết câu này? Nó có phù hợp với những gì đã viết trong tác phẩm từ trước đến giờ?
Một lần nữa, ngay cả khi bạn trả lời sai, suy luận sai, cái bạn chắc chắn nhận được từ quá trình đọc sách là kiến thức. Các câu trả lời mà bạn đã thu thập được có thể giúp bạn nảy ra những câu hỏi khác hoặc có được những hiểu biết mới.
Và nếu bạn suy luận đúng thì bạn đã tiết kiệm được một khối thời gian lớn cho bản thân mình.
7. Hình dung✨
Hình dung – hình tượng hóa yêu cầu sức sáng tạo nhất định và là một trong những cách hay để đọc hiểu nhanh hơn. Kể cả khi bạn đang đọc báo hay một cuốn sách phi hư cấu thì hình dung vẫn là một cách hữu ích.
Bn có thể tạo ra, vẽ ra, hoặc mường tượng trong đầu những thông tin bạn có. Tác giả đưa ra một hệ thống, một mô hình nào đó, hãy xem xét các khía cạnh khác nhau của nó, hình dung chính bạn trong bối cảnh đó và làm những hành động đó. Điều này khiến bạn hứng thú với việc học và hiểu mọi thứ rõ hơn vì bạn đang sử dụng cả hai bán cầu não để xử lí thông tin.
Hình tượng hóa cũng giúp bạn tạp trung hơn vì nó trả lời câu hỏi, “vì sao thông tin này lại liên quan đến mình?” Chúng ta đọc sách vì những lý do khác nhau và việc hình dung thông tin trong đầu có thể giúp bạn trả lời câu hỏi đó, đặc biệt là giúp bạn liên tưởng thông tin với cuộc sống của bạn.
8. Kiểm tra – Làm rõ✨
Xuất phát từ việc suy luận và dự đoán, kiểm tra – làm rõ là một chiến lược sử dụng các suy luận của bạn và so sánh chúng với những gì bạn đang đọc. Trong nhiều trường hợp, cách hiểu của bạn có thể khác với những gì tác giả đang diễn đạt và từ đó hiểu sâu hơn về thông tin.
9. Tìm kiếm thông tin✨
Chiến lược đọc cuối cùng bắt nguồn từ việc đặt câu hỏi — tương tự như làm rõ. Sự khác biệt giữa tìm kiếm và làm rõ là làm rõ thông tin nhắm đến đưa ra một cách hiểu chung cho thông tin bạn đang đọc
Với tìm kiếm thông tin, bạn đang tìm kiếm những gì củng cố, bổ sung cho kiến thức bạn muốn học hỏi. Tình huống này yêu cầu bạn tự tìm hiểu và định nghĩa cho những thứ bạn chưa chắc chắn, ngoài ra cho phép bạn giải quyết cả những câu hỏi, suy đoán trước đó.
Lời kết✨
Để hiểu rõ những gì bạn đang đọc, bạn cần có cho mình một phương pháp riêng, hiệu quả và phù hợp cho bạn. Những người đọc hiệu quả thường kết hợp những chiến lược, phương pháp khác nhau để tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Vì vậy, mình khuyến khích bạn thử nghiệm những phương pháp trên và tìm ra cách phù hợp nhất với bạn📌.
______________________________________________________
Tác giả: Leon Ho
Link bài gốc: https://www.lifehack.org/899737/reading-strategies
Dịch giả: Nguyễn Thúy Quỳnh – https://bit.ly/3xZPo8P
______________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả và dịch giả bài viết vì đã chia sẻ những kiến thức bổ ích tới mọi người. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có được một phương pháp đọc sách hiệu quả hơn cho bản thân mình.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3190
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 51