Học cách thực hiện mọi việc đúng cách và nắm vững những gì học được sẽ góp phần to lớn giúp bạn trở nên xuất sắc hơn trong những lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng ta thường dễ bị phân tâm và thậm chí gặp khó khăn trong việc xử lí những thông tin về một số chủ đề nhất định. Trong trường hợp đó, những kỹ năng nhận thức sẽ giúp chúng ta trở thành một người học có chiến lược, biết cách nhận biết thông tin và áp dụng chúng dễ dàng hơn.
📌 SỰ TẬP TRUNG CÓ CHỌN LỌC
- Sự tập trung có chọn lọc là một kỹ năng nhận thức cho phép bạn hướng sự chú ý của mình vào một nhiệm vụ cụ thể quan trọng tại một thời điểm nhất định và loại bỏ những sự xao nhãng khác không cần thiết.
- Có 2 loại tập trung chọn lọc: tập trung chọn lọc thị giác và tập trung chọn lọc thính giác.
- Sự tập trung thị giác có chọn lọc hiểu đơn giản là bạn có thể ưu tiên tập trung vào những thứ có hấp dẫn về mặt thị giác.
- Sự tập trung thính giác có chọn lọc là sự chú ý có chọn lọc dựa trên giác quan thính giác của bạn.
📌 SỰ CHÚ Ý LIÊN TỤC
- Sự chú ý liên tục, còn được gọi là sự chú ý cảnh giác, là một kỹ năng nhận thức giúp bạn tập trung vào một dự án và tiếp tục làm việc liên tục cho đến khi hoàn thành. Với sự chú ý liên tục, bạn sẽ trở thành người có tầm nhìn xa hơn khi làm việc và học tập.
- Kĩ năng này được cải thiện thông qua việc kéo dài thời gian tập trung, trong đó bạn tập trung vào những gì mình đang học và dành thời gian để xác định chi tiết những điều mình đã học.
📌 PHÂN TÁN SỰ TẬP TRUNG
- Phân tán sự tập trung là dành sự tập trung của bạn vào nhiều hơn một dự án hoặc nhiệm vụ cùng một lúc.
- Sự chú ý phân tán, còn được gọi là đa nhiệm, đòi hỏi phải tích cực sử dụng bộ nhớ ngắn hạn đối với một số người. Trong khi đó, điều quan trọng là phải lưu trữ thông tin trong bộ nhớ dài hạn thông qua việc lặp lại liên tục vì điều này sẽ có ích về lâu dài.
📌 TƯ DUY LOGIC VÀ LÝ LUẬN
- Logic và lý luận được xem là những kỹ năng nhận thức tiền đề cho các kỹ năng giải quyết vấn đề và đưa ra ý tưởng giúp việc học của bạn trở nên hữu ích.
- Hầu hết những gì chúng ta học được đều được giải thích theo cách đơn giản nhất có thể, nhưng một số khía cạnh đòi hỏi bạn phải suy nghĩ sâu sắc về kiến thức bạn đang học và cách thức hoạt động của nó để bạn có thể áp dụng nó một cách hiệu quả vào các lĩnh vực cần thiết.
- Để giỏi hơn về logic và lý luận, bạn có thể thử nhiều cách khác nhau, bao gồm đưa ra kết luận cho nhiều tình huống đa dạng rồi quan sát diễn biến của chúng để xem mình có hiểu đúng không, chơi các trò chơi trí tuệ như cờ vua và tìm ra quy luật của các trò chơi mà bạn tham gia.
📌 TỐC ĐỘ XỬ LÍ THÔNG TIN
- Tốc độ xử lý là một kỹ năng nhận thức liên quan đến khả năng diễn giải những gì bạn học được và dễ dàng áp dụng chúng vào đúng nơi để có được kết quả bạn đang tìm kiếm. Với kỹ năng này, bạn có thể cải thiện sự năng suất trong một ngày và có thêm nhiều thời gian hơn để làm những việc khác trong lịch trình hàng ngày của bạn.
- Bạn có thể tăng tốc độ xử lý thông tin của mình bằng cách thường xuyên tham gia các bài tập aerobic, thúc đẩy trí óc hiểu mọi thứ nhanh hơn bằng cách đọc và diễn giải thông tin nhanh hơn bình thường và ăn thực phẩm lành mạnh.
📌 XỬ LÍ HÌNH ẢNH
- Xử lý hình ảnh là một kỹ năng nhận thức liên quan đến tốc độ xử lý nhưng chỉ tập trung vào hình ảnh.
- Kỹ năng này hữu ích khi bạn cố gắng hiểu dữ liệu trực quan, chẳng hạn như hình ảnh, bảng biểu và đồ thị. Tất cả chúng ta đều có thể thừa nhận rằng tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta đã phải sử dụng hai thứ này và việc có kỹ năng đó để biết điều gì đang xảy ra thực sự cần thiết.
📌 XỬ LÍ ÂM THANH
- Xử lý âm thanh là xử lý thông tin dựa trên âm thanh như sách nói.
- Chúng ta hiện đang ở thời đại mà công nghệ tiên tiến đang được sử dụng trong hầu hết mọi ngành công nghiệp bao gồm cả giáo dục. Thay vì phải dành vài ngày hoặc vài tuần để đọc một cuốn sách giáo khoa, bạn chỉ cần nghe một cuốn sách nói cùng nội dung và học một cách liên tục.
- Nếu bạn giỏi phân tích và hiểu được âm thanh và liên hệ nó với những gì bạn đang học, bạn sẽ có thời gian đọc và tiến bộ trong việc học dễ dàng hơn nhiều.
📌 BỘ NHỚ LÀM VIỆC
- Bộ nhớ làm việc là nơi bạn lưu trữ thông tin mới thu thập được.
- Bộ nhớ làm việc thúc đẩy khả năng hiểu biết, giải quyết vấn đề, lý luận và lập kế hoạch trong giáo dục. Có trí nhớ làm việc tốt có nghĩa là bạn có thể lưu trữ trong tâm trí đủ thông tin về các mục khác nhau và mối quan hệ của chúng với nhau để có thể giải quyết thử thách thành công.
- Một cách tốt để tăng cường trí nhớ làm việc là cố gắng nhớ nhanh các từ, số, thẻ hoặc thậm chí là các chấm trong vài giây và tìm ra những gì bạn thấy sau vài giây, sau đó kiểm tra xem bạn có đúng không. Bạn thậm chí có thể nâng cao hơn một chút và thử thực hiện một số phép tính khá phức tạp với những gì bạn thấy và xem bạn có thể giải được không.
📌 TRÍ NHỚ DÀI HẠN
- Đây là sự lưu trữ thông tin đã thu thập được trong một thời gian dài. Bạn được xếp vào nhóm người có trí nhớ dài hạn tốt nhất khi bạn có thể lưu trữ và dễ dàng tìm lại thông tin về thứ gì đó mà bạn đã thu thập được cách đây nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Một số cách phổ biến để đưa trí nhớ dài hạn của bạn lên một tầm cao mới là thông qua các hoạt động như lặp lại liên tục (xem lại thông tin trong đầu), hình dung những gì bạn đã học và tập trung cao độ khi học một điều gì đó mới.
📌 TRÍ THÔNG MINH LINH HOẠT
- Trí thông minh linh hoạt là khả năng lý luận, cũng như tạo ra, thay đổi và sử dụng thông tin từ các giác quan của chúng ta theo thực tế vì nhiều lý do khác nhau bao gồm cả giải quyết vấn đề. Loại trí thông minh này cho phép bạn suy nghĩ trừu tượng và lý luận linh hoạt, và thường không cần đến học tập và kinh nghiệm.
- Khi bạn gặp phải một vấn đề cần giải quyết và bạn không thể dựa vào kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ, trí thông minh linh hoạt sẽ giúp bạn có được câu trả lời đúng. Trí thông minh lưu loát được cho là sẽ giảm dần ở tuổi trưởng thành muộn, mặc dù nó có thể rèn luyện được và bạn luôn có thể rèn luyện nó ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời mà bạn muốn.
📌 TRÍ THÔNG MINH LIÊN TỤC
- Trí thông minh tích luỹ có thể được coi là đối lập với trí thông minh linh hoạt vì loại trí thông minh này phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ mà bạn đã tích lũy được qua nhiều năm. Nó dựa trên các sự kiện và kiến thức và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn già đi vì bạn có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn khi càng lớn tuổi.
- Trí thông minh linh hoạt sau này có thể trở thành trí thông minh tích luỹ khi bạn sử dụng nó để suy nghĩ và lý luận về nhiều vấn đề khác nhau và sau đó lưu trữ thông tin trong bộ nhớ dài hạn của bạn. Với trí thông minh kết tinh, bạn càng thu thập được nhiều thông tin, học được nhiều kỹ năng mới và có nhiều trải nghiệm, thì nó càng phát triển tốt hơn.
__________________________________________________
- Nguồn: Lifehack
- Tác giả: David Oscar
- Người dịch: Thảo Nguyễn
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/26432
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 62