Kỹ Năng

3 Lưu Ý Quan Trọng Giúp Sinh Viên Phòng Tránh Rủi Ro Khi Đi Thuê Nhà Trọ, Phòng Trọ

Khi bạn đến hỏi thuê phòng, chủ nhà có phòng cho thuê trọ, nhà trọ sẽ giới thiệu cho bạn rất nhiều điều kiện liên quan, giá thuê, tiền điện nước, chỗ để xe…Có vô vàn các chủ trọ uy tín có tâm khi cho thuê phòng, nhưng đâu đó vẫn có một số chủ nhà không uy tín vậy nên các bạn sinh viên cần lưu lại những nội dung dưới đây để tránh những phiền phức và rắc rối không đáng có trước khi quyết định ký hợp đồng thuê nhà trọ, phòng trọ nhé.

Một, LIÊN HỆ và LÀM VIỆC với chính chủ/chủ sở hữu nhà trọ trước khi đặt cọc thuê phòng trọ.

Nguyên tắc, không đặt cọc (dù ít) hoặc ký hợp đồng nếu không gặp mặt làm việc trực tiếp với chính chủ/chủ sở hữu nhà trọ tại phòng trọ bạn đang có ý định thuê. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có, bởi có rất nhiều vụ đặt cọc Online (làm việc xác nhận qua mạng xã hội zalo, facebook…) để giữ phòng và đến khi nhận phòng thì người nhận không tồn tại, không thể liên hệ. HOẶC, phổ biến hơn là yêu cầu cọc trước giữ phòng và đến khi ký hợp đồng thực tế thì phát sinh những điều khoản cực kỳ vô lý đặt người thuê vào tình cảnh “ăn trái đắng” hoặc ngậm ngùi mất cọc.

Hai, Lưu lại BẰNG CHỨNG (Hợp đồng, giấy tờ, hình ảnh, video các thiết bị, vật dụng tại thời điểm cho thuê…) có sự xác nhận của chủ nhà trọ.

– Tình trạng tổng quan chung trong phòng trọ, và thiết bị, đồ dùng đang có trong phòng thể hiện rõ độ cũ mới, các vết nứt vỡ, trầy xước…(nếu có).

– Kiểm tra: nước nóng (với phòng có bình nóng lạnh), độ mát của điều hòa (với phòng có trang bị), tình trạng tủ, kệ đồ (có bị han gỉ, nứt vỡ, trầy xước…), Thử đổ/xả nước để kiểm tra độ thoát nước của sàn vệ sinh, bồn cầu, nếu có dấu hiệu tắc, thoát nước chậm cần phải phản ánh ngay với bên thuê trọ để khắc phục xử lý và tránh mất tiền oan khi phải sửa chữa những sự cố/lỗi không phải do bạn gây ra. Bạn nên hỏi thêm cửa, tường phòng có được dán/dính, đóng đinh treo rèm/treo đồ không? để không bị rắc rối sau này trả phòng nhé.

– Bạn cân nhắc thêm: Nếu chủ trọ/người sở hữu nhà trọ không ở cùng khu vực bạn trọ, bạn hãy xin phép chụp ảnh/quay video cùng với họ để lưu trữ làm bằng chứng xác nhận việc hai bên đã đồng ý thuê/cho thuê nhà trọ hiện tại, bởi một số người ảnh trên căn cước công dân không giống với ngoài đời. Nếu cả hai bên đều nghiêm túc và rõ ràng thường sẽ không ngại việc này.

Trong hợp đồng hoặc biên bản có thể giới hạn chữ không thể ghi rõ và chi tiết, vậy nên các bạn nên đi theo cùng ít nhất 1 người bạn để hỗ trợ quay/chụp thể hiện rõ tình trạng các thiết bị và các cá nhân có mặt (đặc biệt chủ nhà trọ) để có căn cứ làm việc nếu phát sinh vấn đề sau này.

Ba, ĐỌC KỸ HỢP ĐỒNG thuê nhà trọ, đặt cọc thuê phòng trọ

Việc này cực kỳ quan trọng khi bạn đã tìm được phòng trọ ưng ý, bởi có thể có những phát sinh vô lí liên quan trong quá trình bạn ở bên cho thuê, đẩy bạn vào tâm lý thà chấp nhận bỏ tiền cọc còn hơn và bạn sẽ phải dựa trên giấy tờ là hợp đồng cho thuê để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn. Nguyên tắc: Không hứa miệng. Và, những điều bạn cần lưu ý dưới đây như sau:

1, RÕ RÀNG về thời gian thuê, thời hạn hợp đồng, số tiền đặt cọcđiều kiện hoàn tiền cọc cho bên thuê nhà trọ. Tiền đặt cọc của bạn cho bên cho thuê phòng trọ thông thường sẽ là 1 triệu VNĐ, với những chủ nhà “ăn chắc” hơn thì thường 1 tháng tiền phòng với các phòng có có thiết bị điện giá trị như điều hòa, nóng lạnh,… và nửa tháng tiền phòng với các phòng trống hoặc các đồ cơ bản như giường, giá treo quần áo…Với các phòng có sẵn thiết bị tiện nghi hơn bao gồm tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh, giường, tủ…tiền cọc có thể cao hơn hoặc kèm theo điều kiện phải ký hợp đồng dài hạn. Nếu số tiền lớn hơn hơn nhiều so với giá trị bạn nhận, thì bạn cần cảnh giác.

2, GIÁ TIỀN phòng trọ, điện, nước, mạng, vệ sinh chung, trông xe, máy giặt, tháng máy (nếu có)….nếu mục nào MIỄN PHÍ cũng cần phải được đề cập rõ ràng trong hợp đồng. Và nếu có thể bạn cần yêu cầu bổ sung điều khoản: việc tăng giá tiền (nếu có) phải được chủ nhà thông báo trước tối thiểu 30 ngày cho người thuê trọ.

3, TRÁCH NHIỆM CHỦ NHÀ TRỌ ngoài những điều khoản thông thường như bàn giao chìa khóa phòng trọ và tầng để xe (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho người thuê trọ, thì cần làm rõ (tốt nhất thể hiện trong hợp đồng):

Số lượng người ở phòng trọ tối đa là bao nhiêu? Điều này cần thể hiện rõ vì có một số chủ trọ sẽ lấy lí do thêm người để tăng giá phòng thay vì chỉ cộng giá điện, dịch vụ liên quan như các chủ nhà trọ uy tín khác. 

Giờ giấc tự do hay theo quy định? Được sử dụng những thiết bị, khu vực chung (nếu có) nào? Ví dụ: nhà vệ sinh chung tại tầng 2, sân phơi tại tầng 5, máy giặt tại tầng 5….

–  Thiết bị điện (điều hòa, nóng lạnh, tủ lạnh…) BỊ HƯ HỎNG thì bên chủ trọ có trách nhiệm chi trả chi phí sửa chữa hay thế nào? Nếu bắt người thuê chịu bởi các thiết bị này thì khá VÔ LÝ vì ngoài chi phí sửa chữa cao, đặc biệt với các thiết bị đời cũ, đã dùng lâu năm thì việc hỏng hóc theo thời gian là không thể tránh khỏi. Lí do các bạn cần làm rõ ở đây với chủ trọ là: Điều hoà, nóng lạnh hay quạt trần là thiết bị tầm cao, trang bị từ đầu, trước đó đã sử dụng, hết thời gian bảo hành, chưa kể hãng sản xuất khác nhau chất lượng khác nhau dù mới hay cũ, vật liệu sản xuất, kỹ thuật lắp đặt… không đảm bảo hoàn toàn có thể dẫn đến hỏng hóc. Trong quá trình sử dụng bình thường không thể tự nhiên hỏng, trừ khi do tác động ngoại lực hoặc tại thời điểm cho thuê thiết bị có vấn đề mà người thuê không có kinh nghiệm và kỹ năng để nhận biết. Các bạn nên làm rõ trách nhiệm liên quan đến thiết bị điện, bởi bản thân là người thuê nhà chắc chắn không ai dại gì cố tình tác động ngoại lực hay làm gì để nó hỏng để phải bị bắt đền.

Có được phép sang nhượng phòng trọ nếu không có nhu cầu ở? Người thân đến chơi như ba mẹ, anh chị em,… có được đến chơi và ở qua đêm (nếu cùng giới) trong phòng không? Có một số chủ trọ sẽ có những điều khoản vô lí như: Không cho dẫn bạn trai/bạn gái về phòng và để nội dung này trong điều khoản chấm dứt hợp đồng/phạt người thuê trọ.

– Ngoài những phí trong hợp đồng đã thể hiện còn có bất kỳ khoản phí nào khác không?

Ngoài ra, có những cách phòng tránh gặp phải những chủ phòng trọ, nhà trọ kém uy tín thì bạn có thể Gõ TÌM KIẾM theo địa chỉ phòng trọ hoặc số điện thoại chủ trọ/người đăng tin lên facebook, google xem có từng bị “bóc phốt nhà trọ” hoặc lịch sử đăng tin của họ để biết trước những thông tin liên quan.

Tác giả: anh Đào Lộc Phúc – Sáng lập dự án iVolunteer Vietnam

Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến tác giả vì đã cho phép chúng tôi được chia sẻ bài viết của anh đến với nhiều bạn trẻ hơn!

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/20657

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 20

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ