Chúng ta thường bị hiểu nhầm về hướng nội và hướng ngoại không thể làm được công việc này hoặc kia. Bài viết này giải ảo cho bạn các hiểu lầm này
Bạn là người hướng nội, hướng ngoại, hay hướng giữa (nửa này nửa kia)? Hay bạn là người thấy bản thân hướng nội nhưng mọi người xung quanh lại cứ bảo là hướng ngoại? Bài viết này mình sẽ chia sẻ cho mọi người về chuyện hướng nội – ngoại dưới góc nhìn hướng nghiệp.
HIỂU NHẦM VỀ HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI.
1/ Hướng ngoại thì nói năng lưu loát hoạt bát, tràn đầy tự tin, còn hướng nội thì khép nép, ngại ngùng. Đây là hiểu nhầm sai hoàn toàn. Sự tự tin, thoải mái nằm trong kỹ năng giao tiếp hoàn toàn có thể học, hướng nội hay hướng ngoại đều có thể phát triển kỹ năng này.
2/ Hướng nội hay hướng ngoại chỉ có một hướng. Đây cũng là một hiểu nhầm rất lớn. Nếu coi hướng nội và hướng ngoại là hai đầu của một trục ngang, thực tế có rất ít người nằm lệch hẳn sang một bên. Thường chúng ta sẽ nghiêng qua bên trái hoặc bên phải một chút, nhưng vẫn có một chút dư của bên kia. Đó là lý do có nhiều người hướng giữa, tức là lúc nội lúc ngoại.
Chúng ta sẽ ở đâu đó trên cái trục này.
HIỂU VỀ HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN
Hướng nội và hướng ngoại là xu hướng lấy lại năng lượng của bạn khi rơi vào trạng thái mệt mỏi. Giống như cục pin, sau một ngày làm việc mệt nhoài, bạn cần phải sạc lại pin. Cách bạn sạc phần nào thể hiện tính cách của bạn.
Hướng nội – là khi bạn quay về bên trong bản thân để sạc pin. Bạn chọn ở nhà đọc sách, xem phim, viết lách suy ngẫm, trồng cây cảnh chơi với chó, vân vân.
Hướng ngoại – là khi bạn hướng ra ngoài để sạc pin. Bạn hẹn bạn bè đi cafe, đi xem show ca nhạc, đi đến quán bar để quẩy, vân vân.
HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI PHÙ HỢP VỚI NGHỀ GÌ?
Nhiều người sẽ khuyên bạn rằng, hướng nội thì nên làm văn phòng các công việc như kế toán, thủ thư, hành chính, còn hướng ngoại thì nên làm Marketing, Sale, bán hàng, vân vân. Đây cũng là một sự hiểu nhầm, chính vì sự hiểu nhầm này mà mình thấy nhiều bạn học các ngành như Marketing, kinh doanh, du lịch rơi vào trạng thái hoang mang khi nghĩ rằng mình là người hướng nội không phù hợp với ngành đang học.
Thực tế theo quan sát của cá nhân mình (chưa có nghiên cứu cụ thể), quá nửa người dân Việt Nam là người hướng nội. Trong các lớp sinh viên từ lứa 1996 trở đi, lúc nào làm bài trắc nghiệm hoặc khảo sát cũng có hơn nửa lớp nhận mình là người hướng nội. Điều này mình cũng cảm thấy dễ hiểu vì thực tế do xã hội nước mình cha mẹ người lớn còn kìm kẹp giới trẻ nhiều, giới trẻ chưa có nhiều cơ hội bung lụa, ‘hướng nội’ ở nhà đọc sách chơi loanh quanh sẽ được khen là ngoan hơn tụi ‘hướng ngoại’ suốt ngày lông bông ngoài đường. Đến khi lớn rồi thì phụ huynh lại kêu sao mày suốt ngày ở nhà thế, đúng là nghịch lý.
Hướng nội hay hướng ngoại nên được dùng tốt nhất để hiểu về tính cách của người khác, từ đó biết cách làm việc phù hợp với họ. Bạn có thể dùng hướng nội hay hướng ngoại vào chuyện hướng nghiệp, nhưng chỉ nên ở một mức độ tham khảo. Thực tế, bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ cần cả người hướng nội lẫn người hướng ngoại. Ví dụ, ngành Y cần hướng nội hay hướng ngoại? Một người làm nghiên cứu có lẽ sẽ hợp với hướng nội, nhưng một người đi bán hàng dược thì chẳng phải hướng ngoại sẽ tốt hơn chăng? Chính vì vậy, đừng để chuyện hướng nội hay hướng ngoại cản đường bạn chọn bất kỳ ngành nghề nào, hãy dùng hướng nội và hướng ngoại để soi xét kỹ hơn từng công việc trong ngành đó. Ví dụ cùng là Marketing, công việc tổ chức sự kiện hay gặp khách hàng nhiều sẽ thuận tiện cho người hướng ngoại, trong khi công việc phân tích dữ liệu, làm thống kê sẽ có thể hợp hơn với người hướng nội.
HƯỚNG NỘI HAY HƯỚNG NGOẠI ĐỀU CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC TÍNH CÁCH CỦA BÊN KIA
Chúng ta hoàn toàn có thể ‘giả’ được tính cách của hướng còn lại, nếu chúng ta được đặt trong môi trường phù hợp. Đó là lý do nếu bạn làm các bài trắc nghiệm về tính cách (ví dụ như bài MBTI), bạn sẽ biết được về hai xu hướng của bản thân là ‘nature’ (tự nhiên) và ‘nurture’ (được nuôi dưỡng). Đa số khi chúng ta làm bài trắc nghiệm sẽ cho ra kết quả ‘nurture’ – tức là đã bị tôi luyện trong một môi trường nhất định.
Ví dụ tự nhiên sinh ra bạn là một người có xu hướng ngoại, tức là thích giao du gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên nếu bạn sống cùng bố mẹ quá truyền thông, giữ con thái quá, ít cho đi chơi gặp gỡ, hay bắt ở nhà – dần dần bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bố mẹ. Hay ngược lại, bạn sinh ra là một người chỉ thích đắm mình vào sách, một mình suy ngẫm – nhưng bố mẹ làm kinh doanh cứ bắt bạn phải làm cái này cái kia, đi gặp người này người kia, thì dần dần sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu chúng ta sống đúng với bản chất tự nhiên của mình và làm đúng công việc khuyến khích bản chất tự nhiên đó, ta sẽ vừa làm tốt, lại vừa khỏe. Ngược lại, ta vẫn có thể làm tốt nhưng sẽ bị mệt. Giống cái cảm giác bạn đi làm vẫn ổn, sếp vẫn khen, công việc vẫn trơn tru, nhưng về nhà lại mệt hết xí quách.
Thực tế phần nhiều công việc hiện nay lại phù hợp cho người hướng ngoại. Những công việc phù hợp với một bạn sinh viên mới ra trường như Sale, lễ tân, vân vân đòi hỏi chúng ta phải tương tác với người khác rất nhiều. Các việc ‘hot’ hiện nay như Marketing, Truyền thông cũng chuộng người hướng ngoại hơn. Đó là lý do tại sao các bạn hướng nội dễ cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên đừng lo các bạn ơi, hãy cứ ra ngoài và trò chuyện và bạn sẽ nhận ra rằng, có rất rất nhiều người hướng nội vẫn làm tốt công việc của người hướng ngoại.
BƯỚC TIẾP THEO CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ?
Hãy đọc một số tài liệu và làm một số bài kiểm tra để thực sự xem mình là hướng nội, hướng ngoại hay hướng giữa, bao nhiêu phần trăm? Trong trường hợp nào thì mình là người hướng nội, trong trường hợp nào thì hướng ngoại. Hiểu rõ bản thân là bước đầu tiên giúp bạn trở nên tốt hơn trong công việc, cũng như giảm bớt những căng thẳng.
Ví dụ, bản thân tác giả mình là một hướng 60% hướng nội, 40% hướng ngoại. Tức là về cơ bản mình vẫn thích ở nhà đọc sách – nhưng nếu ở nhà lâu quá thì mình sẽ chán, cần gặp gỡ người khác. Trong cuộc sống cá nhân, mình khá khép kín, nhưng trong công việc mình lại khá hướng ngoại. Mình hiểu rõ điều này để điều hòa cuộc sống cho phù hợp. Ví dụ nếu trong ngày mình đi làm phải gặp gỡ người khác nhiều, tối mình dành thời gian một mình để nạp năng lượng. Nếu ban ngày đi làm chỉ có ngồi làm văn phòng, tối mình có thể tranh thủ gặp bạn bè để nạp năng lượng.
Bản thân mình là một người hướng nội, đây là một số điều mình làm để giúp bản thân tự tin hơn:
- Mình đăng ký một số khóa học về giọng nói như khóa học này để hiểu hơn về giọng nói của mình, giúp mình tự tin hơn khi trò chuyện. Mình nhận ra là kể cả hướng nội hay hướng ngoại, cứ nói chuyện giọng hay đã là cách thu hút rồi.
- Nếu bạn đang làm một công việc phải giao tiếp, không chỉ với khách hàng mà với cả đồng nghiệp, nên dành thời gian học một khóa về giao tiếp, đây là một gợi ý khóa học của mình.
—————————————————————
SOURCE: anhtuanle.com
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/992
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.