Bài này để chia sẻ tới mọi người một vài chiến lược để giúp bạn tập trung hơn và không trì hoãn khi giải quyết các công việc khó hằng ngày.
Cái cảm giác giải quyết được một việc khó rất là phê. Việc khó với mình có thể là hoàn thành viết một chương sách hay hoàn thành một bản kế hoạch chương trình. Tuy phê là vậy, nhưng gọi việc khó là khó bởi nó khó thiệt. Không chỉ khó, nó còn dễ làm mình lo lắng và stress. Chính vì thế, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc tập trung giải quyết những việc khó, dẫn đến việc trì hoãn làm những việc này. Khi trì hoãn thì chúng ta có xu hướng làm những việc dễ hơn như kiểm tra email, sắp xếp lại lịch, vân vân.
Trong năm 2020 mình có xuất bản cuốn sách “Một ngày của tôi có 48 giờ“, trong đó có một vài chương nói về việc sắp xếp thời gian và cách để giải quyết những việc khó mà bạn hay trì hoãn. Đây là cuốn sách thứ 3 mình đã xuất bản, và trong thời gian tới chuẩn bị có 2 cuốn sách mới nữa. Mình rất thích viết sách và việc viết sách cũng đem lại nhiều giá trị. Tuy nhiên thành thật có rất nhiều thời điểm mình lười, lầy, ngại viết vì không biết viết như thế nào. Thêm vào đó, viết sách không phải là việc ‘khẩn cấp’ trong công việc hằng ngày, nên mình cũng thường xuyên lầy lội trì hoãn việc này.
Có thể bạn không viết sách, nhưng mình tin bạn cũng sẽ có những khó khăn trong việc sắp xếp thời gian xử lý các công việc khó. Bài này để chia sẻ tới mọi người một vài chiến lược để giúp bạn tập trung hơn và không trì hoãn khi giải quyết các công việc khó hằng ngày.
Tạo khoảng trống
Để giải quyết một vấn đề khó, não chúng ta cần sẵn sàng để tiếp cận và xử lý rất rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, không phải lúc nào não chúng ta cũng ở trong trạng thái sẵn sàng cao độ này, bởi có rất nhiều thứ xung quanh có thể gây xao nhãng. Ví dụ nếu bạn ngồi xuống viết sách sau một cuộc họp, nhiều khả năng là việc viết sách đó sẽ không hiệu quả – vì não bạn cần có thời gian để tổng hợp lại thông tin, tạo ‘mood’ viết sách trước khi thực sự làm được việc này. Chính vì lý do này, để giải quyết được một đầu việc khó trong ngày, bạn cần/nên:
Làm việc theo các ‘block’ thời gian. Ví dụ hôm nay mục tiêu của mình là viết một chương sách, thay vì ngồi viết liên tục từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, mình sẽ chia làm nhiều ‘block’ thời gian với các khoảng nghỉ ở giữa. Cụ thể mình áp dụng phương pháp Pomodoro, làm việc 25 phút nghỉ 5 phút. Cứ sau 4 lần 25 phút thì nghỉ dài 15 phút. Phương pháp này giúp não có được thời gian nghỉ ngơi và reset lại, tập trung được cao hơn và lâu hơn.
Có một khung giờ làm việc tập trung đồng bộ. Bạn nên thử làm việc tập trung trong 1-2 tuần, quan sát và theo dõi xem khung giờ nào trong ngày thì bạn làm việc tập trung nhất. Với mình là buổi sáng sớm, với bạn có thể là trưa hoặc tối. Hãy quan sát xem 1 ngày trong khoảng 2 tiếng lúc nào đó bạn làm việc tốt nhất, và để dành những việc khó làm vào thời gian này.
Có không gian riêng cho việc khó. Cái này mình gọi là tạo ‘mood’ – bạn kết hợp với 2 phương pháp trên. Khi làm việc khó thì bạn ngồi ở đâu, có mùi hương gì, không gian ra sao – lặp đi lặp lại điều này sẽ tạo thói quen cho não để giải quyết những việc khó của lần sau tốt hơn.
Giảm sự nhiễu & không làm việc đa nhiệm
Có thể bạn học được đâu đó về những lời khuyên rằng nên ráng làm việc đa nhiệm, làm nhiều việc cùng lúc để tiết kiệm thời gian và làm việc hiệu quả hơn – mình cực lực phản đối chuyện này. Việc vừa kiểm tra email, vừa lên kế hoạch cho dự án chỉ làm cho bạn nhanh mệt và kém hiệu quả đi thôi. Chính vì vậy, một trong những cách để giải quyết các việc khó tốt hơn là giảm đi việc làm đa nhiệm này.
Tắt những thông báo ứng dụng. Tắt đi các notification từ mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại để bạn không phân tâm – nếu cực đoan hơn có thể tắt Wifi, 3G hoặc để chế độ máy bay khi cần tập trung. Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, khi bạn đang tập trung mà cầm điện thoại lên để kiểm tra một tin nhắn thôi, phải tốn cả hơn chục phút sau đó để lấy lại sự tập trung ban đầu
Cẩn thận bị cám dỗ bởi những việc dễ. Não chúng ta thường thích những việc có kết quả ngay trước mắt hơn là những việc lâu dài. Đó là lý do tại sao uống một ly trà sữa bây giờ (ngon miệng) sẽ được chọn thay vì đi bộ 30 phút. Chính vì thế, chúng ta thường bị cám dỗ làm những việc nhỏ như kiểm tra email, lên kế hoạch, sắp xếp giấy tờ này kia – và chúng ta hợp lý hóa, cho rằng chúng ta vẫn đang làm việc chăm chỉ, nhưng thực tế thì việc chính vẫn chưa được giải quyết.
Một vài bí kíp khác
Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Quan điểm mình vẫn luôn cho rằng, tinh thần và thể chất ổn – tự khắc bạn sẽ làm việc tốt hơn. Tinh thần có thể làm thông qua việc thực hành thiền – chánh niệm mỗi ngày. Thể chất có thể làm thông qua việc vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Trò chuyện với người khác. Cá nhân mình là một đứa thích làm việc độc lập, không thích hợp tác cùng người khác. Tuy nhiên mình phải thừa nhận rằng, khi đang bí một ý tưởng, một cách rất hay là hẹn ai đó một buổi cafe và trò chuyện với họ. Có thể họ không cho bạn được lời khuyên gì, nhưng sẽ mở rộng góc nhìn cho bạn tốt hơn.
Những bí kíp trên đây là tiền đề để giúp bạn làm việc tập trung hơn, tuy nhiên đọc không thì không giúp ích được gì – hãy áp dụng thử và theo dõi trong một thời gian ít nhất vài tuần bạn nhé.
———————————————————————————
Cảm ơn những chia sẻ bổ ích từ tác giả anhtuanle.com
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/1557
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.