Mình thường đùa các bạn tìm đến mình tư vấn là: “Hành trình hướng nghiệp là trèo đèo lội suối, đi mãi không hết đâu. Thế nên, lúc nào cũng phải trang bị sức khỏe và tinh thần thật vững để mà trèo và lội.” Bạn cứ ngẫm mà xem, có phải ở mỗi một giai đoạn, độ tuổi trong cuộc đời, mình lại gặp một vấn đề hướng nghiệp khác nhau không? Lớp 12, băn khoăn chọn ngành chọn trường. Năm cuối, lo lắng về cách tìm công việc đầu tiên. Ra trường vài năm, bỗng thấy mất động lực ở công việc hiện tại. Phải làm sao đây?
Có vấn đề thì sẽ có giải pháp. Đương nhiên sẽ không có giải pháp, lời khuyên nào là phù hợp với tất cả mọi người, vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, câu chuyện khác nhau. Trong bài viết này, Tuấn Anh tổng hợp một số giải pháp qua những buổi tư vấn của Tuấn Anh với các bạn tìm đến vì vấn đề “mất động lực trong công việc” nhé.
1. Chia nhỏ vấn đề, sử dụng mô hình bông hoa
Trong bài viết “Kỹ năng giải quyết vấn đề“, mình có chia sẻ một phương pháp đại ý rằng: để giải quyết được một vấn đề to, ta cần bóc nó ra thành những vấn đề nhỏ hơn và giải quyết từng thứ. Nếu ta cầm một quả cam cho cả vào mồm, khả năng ta sẽ phồng mồm ngạt thở mà chẳng thấy ngon. Nhưng nếu bóc quả cam ra thành từng múi, ta sẽ dễ nuốt hơn.
Trong nghề nghiệp cũng vậy, “mất động lực” là một quả cam lớn, suy nghĩ cách để giải quyết nó cần bóc thành những múi nhỏ hơn. Một cách để bóc thành những múi nhỏ hơn là tìm xem yếu tố gì trong công việc đang khiến bản thân mình thấy không vui. Con người? Lương? Đồng Nghiệp? Hay là gì đó khác?
Trong bài viết “Làm Sao Để Biết Công Việc Đó Hợp Với Mình?” mình có chia sẻ về lý thuyết bông hoa của thầy Dick Bolles, giúp bạn dựa vào đó để phân tích xem điều gì trong công việc hiện tại đang hợp hay không hợp, bạn đọc thêm nhé. Đại ý là trong một công việc sẽ có 7 yếu tố để bạn xem xét đó là:
- Kiến thức mình sẽ sử dụng tại vị trí đó
- Kĩ năng mình sẽ dùng tại vị trí đó
- Vị trí địa lý của công ty ở gần hay ở xa?
- Môi trường làm việc của công ty như thế nào?
- Con người ở công ty ra sao?
- Mức lương vị trí đó như thế nào?
- Giá trị công việc ở vị trí này là gì?
2. Đưa bản thân ra khỏi những vấn đề trong đầu
Suy nghĩ về một vấn đề để tìm ra hướng giải quyết là tốt, tuy nhiên suy nghĩ quá nhiều về điều đó thì đôi khi sẽ khiến cho phản tác dụng. Rất nhiều bạn khi tìm đến mình cho những chuyện tư vấn hướng nghiệp, chính những suy nghĩ về chuyện mất động lực ở công việc đó ám ảnh các bạn mỗi ngày, từ đó dẫn đến những hệ lụy như mất ngủ, giảm hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến cả chất lượng của những mối quan hệ.
Thật ra não chúng ta rất kỳ lạ, có những lúc dừng suy nghĩ, cho nó khoảng trống cần thiết, nó lại giúp đẻ ra cho ta những ý tưởng rất hay ho. Bạn thử suy nghĩ xem, có phải những ý tưởng minh mẫn, sáng tạo thường xuất hiện vào lúc mà ta chẳng ngờ tới như đang tắm, đang lái xe, chuẩn bị đi ngủ không?
Vậy thì một việc ở đây khi bạn đang cảm thấy mất động lực trong công việc và chưa biết quyết định nên đi hay nghĩ, hãy bớt việc suy nghĩ lại, trong một tuần hãy thử dành thời gian cho bản thân mà không suy nghĩ gì xem sao.
Có rất nhiều cách để làm việc này: đi dạo vòng quanh thành phố, tập thiền, tập viết sổ biết ơn, tham gia một lớp học nghệ thuật, chơi một môn thể thao.
3. Kỹ năng tạo động lực
Mỗi một công việc chúng mình lại sử dụng một nhóm kỹ năng khác nhau. Có kỹ năng tạo động lực cho mình, càng làm càng sướng, càng muốn làm hơn. Có kỹ năng làm cho mình mệt, vô cùng mệt. Vậy nếu bạn đang cảm thấy mất động lực trong công việc, có thể một việc cần làm ở đây là ngồi xuống và liệt kê xem đâu là nhóm kỹ năng tạo động lực cho bạn, đâu là nhóm kỹ năng làm bạn mệt.
Làm điều này như thế nào, bạn có thể làm các bước sau:
- Lấy một tờ giấy vẽ ra 5 cột theo thứ tự Rất thích, Thích, Bình thường, Không thích, Rất không thích.
- Vào danh sách 87 Kỹ Năng này, đọc từng Kỹ Năng và ghi vào cột tương ứng ở trên. Ghi hết 87 Kỹ Năng.
- Trên tờ giấy đã ghi, bạn chia thành 3 hàng ngang theo thứ tự “Làm Rất Tốt”, “Làm Được” và “Không Làm Tốt”.
- Sắp xếp 87 Kỹ Năng trên theo hàng (giữ nguyên cột).
Sau khi sắp xếp, bạn nhìn vào ô giao thoa của “Rất thích/Thích” và “Làm rất tốt” – đó chính là Kỹ năng tạo động lực của bạn. Hiện tại trong nhóm Kỹ năng đó, bạn đang được làm bao nhiêu % ở công việc hiện tại?
Nếu muốn làm nhanh hơn, bạn có thể đặt mua bộ thẻ Motivated Skills để làm.
4. Gặp gỡ chuyên gia
Ở trên là các bước để bạn tự tìm cách giải quyết cho bản thân.
Nếu đã làm đủ các bước trên mà vẫn chưa giải quyết được, hãy dành thời gian gặp một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp. Ngồi xuống cùng ngồi đó, phân tích sâu hơn những vấn đề của bản thân, biết đâu bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn
—————————————————————-
Bài viết được chia sẻ từ trang blog anhtuanle.com. Cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng hữu ích
#ivolunteervietnam #skills #motivate #inspire #online
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/1464
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 18