Tại bài viết này, hãy cùng chúng mình thảo luận về 6 phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất để bạn có thể khám phá phong cách giảng dạy nào là phù hợp với bạn và lĩnh vực mà bạn đang giảng dạy.
Giáo viên là một nghề hoàn toàn thiết yếu trong xã hội của chúng ta, nhưng việc giảng dạy đôi khi có thể là một công việc khó khăn và căng thẳng. Đặc biệt, khi làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên, có thể khó để giữ được sự tập trung, quản lý hành vi và khuyến khích sự tham gia tích cực. Ngoài ra, việc dạy người lớn cũng có những thách thức riêng – người lớn có thể khó tiếp thu những điều mới và khó thay đổi lối suy nghĩ cũ.
Một điều có thể giúp bạn đối phó với các thách thức này là tìm hiểu về các phương pháp giảng dạy khác nhau hiện có. Bạn không cần phải chọn một phương pháp và tuân theo nó, nhưng bạn có thể thấy rằng một số phương pháp và phong cách nhất định là hoàn hảo cho các môi trường học tập khác nhau.
Ví dụ, bạn có thể thấy rằng phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm là hoàn hảo cho trẻ em KS2 và phương pháp học tập dựa trên trò chơi mang lại hiệu quả tuyệt vời cho KS3. Bạn có thể phát hiện ra rằng việc sử dụng công nghệ như VR có thể nâng cao các bài học lịch sử và địa lý, trong khi phương pháp học tập thông qua trải nghiệm có thể hiệu quả trong các thí nghiệm khoa học và dự án nhóm. Để tìm hiểu thêm, hãy đọc về 6 phương pháp học tập hiệu quả nhất của chúng tôi dưới đây.
1. Học trực tuyến
Giảng dạy trực tuyến có thể không phải là chuẩn mực cho hầu hết giáo viên trước đại dịch COVID-19, nhưng luôn có một số giáo viên thích làm việc trực tuyến. Các gia sư trực tuyến thường tận hưởng sự tự do làm việc tại nhà, chọn giờ làm việc và trở thành ông chủ của chính họ.
Nhưng chính xác thì việc giảng dạy trực tuyến bao gồm những gì? Về cơ bản, đó là quá trình giáo dục những người khác bằng cách sử dụng Internet, cho dù đó là thông qua cuộc gọi video cá nhân hay nhóm, hội thảo trên web hay nền tảng tin nhắn. Thông thường, đó sẽ là sự kết hợp của nhiều phương pháp để thu hút học sinh.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc giảng dạy trực tuyến hoặc công việc hiện tại của bạn yêu cầu phải giảng dạy trực tuyến, thì bạn cần phải hiểu rõ về công nghệ và Internet. Điều này là do tất cả liên hệ của bạn sẽ là trực tuyến và bạn sẽ cần tạo tài nguyên kỹ thuật số cho học sinh của mình. Các tài nguyên này có thể là bản trình bày, giáo án, trang tính, video hoặc bài giảng âm thanh.
Điều tuyệt vời là học trực tuyến có thể tiếp cận được với nhiều người. Không phải tất cả mọi người đều có thể đến trường, nhưng nhiều người có thể truy cập Internet hơn. Tất nhiên, công nghệ cũng có thể là một rào cản đối với giáo dục, nhưng khi nhiều năm trôi qua, rào cản này rất may đã bị phá bỏ.
Nếu bạn muốn học cách trở thành một giáo viên trực tuyến xuất sắc, nơi tốt nhất để bắt đầu là khóa học được đánh giá cao của chúng tôi – Cách Để Giảng Dạy Trực Tuyến: Cung Cấp Liên Tục Cho Học Sinh. Bạn sẽ học được cách thành công chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến để bạn và học sinh của mình đạt được hiệu quả cao nhất trong việc học.
2. Học tập thông qua trải nghiệm
Nếu bạn chưa từng nghe nói về phương pháp học tập thông qua trải nghiệm trước đây, thì bạn có thể cho rằng học tập là một sản phẩm của trải nghiệm. Nếu bạn quan tâm đến điều này, chúng tôi có cả một bài viết khám phá cách áp dụng phương pháp học tập thông qua trải nghiệm trong lớp học và hơn thế nữa.
Chúng ta chỉ có thể tích lũy kinh nghiệm từ việc tương tác cũng như gắn bó với thế giới và mọi người xung quanh. Lý thuyết học tập này xuất phát từ chu kỳ học tập thông qua trải nghiệm của David Kolb và xem xét vai trò của tất cả những trải nghiệm trong việc học tập, từ cảm xúc và nhận thức đến môi trường của chúng ta.
Lý thuyết năm 1984 của Kolb gợi ý rằng có bốn giai đoạn chính trong chu kỳ học tập:
- Kinh nghiệm cụ thể. Đây là lúc người học có trải nghiệm mới, chẳng hạn như lần đầu tiên đi xe đạp.
- Quan sát có tư duy. Sau trải nghiệm cụ thể, người học phải suy ngẫm về hành động của họ và quan sát những người khác thực hiện hành động đó.
- Khái niệm hoá vấn đề trừu tượng. Bước tiếp theo liên quan đến việc người học hiểu được những suy ngẫm của họ và lên kế hoạch để tiếp tục. Họ có thể đưa ra các bước tiếp theo và tìm kiếm sự hiểu biết từ các chuyên gia.
- Tích cực thử nghiệm: Trong giai đoạn cuối cùng, người học sẽ xem xét suy ngẫm của họ và các bài học trước đó, rồi thử lại trải nghiệm ban đầu để xem có sự tiến bộ nào không. Điều này sẽ dẫn đến một trải nghiệm cụ thể mới và vì vậy chu kỳ sẽ lại bắt đầu.
Học tập thông qua trải nghiệm là một phương pháp giảng dạy tuyệt vời vì nó khuyến khích sự sáng tạo, giúp học sinh học hỏi từ những sai lầm, bồi dưỡng tư duy phản xạ và chuẩn bị cho những trải nghiệm trong tương lai. Phương pháp này có thể có hiệu quả đối với một số môn học, đặc biệt là trong các thí nghiệm khoa học, huấn luyện thể thao và các dự án nhóm.
Một số cách đơn giản để khuyến khích học tập thông qua trải nghiệm trong lớp học của bạn bao gồm khuyến khích học sinh tự đánh giá bản thân thường xuyên và suy ngẫm về những gì họ đã học được. Là một giáo viên, bạn có thể muốn ghi lại quá trình giảng dạy của mình hoặc ghi lại nhật ký đánh giá để có thể suy ngẫm về các bài học trước đó.
3. Học tập dựa trên sự khác biệt
Học tập dựa trên sự khác biệt là một phương pháp giảng dạy được điều chỉnh hướng dẫn cho học sinh tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của họ. Phương pháp này có thể là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang dạy các lớp có lực học khác nhau và muốn mọi người tận dụng tối đa mỗi bài học. Để thực hiện phương pháp giảng dạy này một cách chuyên nghiệp, bạn có thể tham gia khóa học Khác Biệt Để Học Tập bởi STEM Learning của chúng tôi.
Đây là một cách tiếp cận khá truyền thống để dạy các lớp có lực học khác nhau, nhưng nếu được quản lý một cách hợp lý thì nó có thể thành công. Ví dụ, một số giáo viên có thể chọn dạy các nội dung hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào khả năng của học sinh. Tuy nhiên, điều này có thể khiến học sinh cảm thấy xấu hổ và giáo viên cảm thấy kiệt sức vì cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc.
Lưu ý rằng, điều quan trọng là giáo viên phải đảm bảo tạo ra một lớp học hòa nhập, nơi học sinh ở mọi khả năng đều được chào đón, bất kể mọi giới, chủng tộc, giới tính hay khuyết tật. Không bao giờ được sử dụng cách học tập dựa trên sự khác biệt để làm cho một số học sinh cảm thấy thua kém so với những học sinh khác.
Một cách tốt hơn để tiếp cận phương pháp học tập dựa trên sự khác biệt là dạy theo nhiều cách khác nhau, bao gồm sách, phim, hình ảnh và thuyết trình bằng lời nói. Điều này giúp các học sinh khác nhau có cơ hội tham gia và hiểu nội dung bài học. Thậm chí bạn có thể tiến xa hơn thế bằng cách đưa ra các hoạt động và phong cách đánh giá khác biệt trong lớp.
Ví dụ, nếu chủ đề lớp học là vở kịch Shakespeare, bạn có thể cho phép học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình theo một số cách. Họ có thể viết một bài luận, thuyết trình miệng, tạo ra hình minh họa hoặc truyện tranh, hay sử dụng bất kỳ thế mạnh nào khác mà họ có.
4. Học tập kết hợp
Phương pháp giảng dạy tiếp theo mà chúng ta sẽ khám phá là phương pháp học tập kết hợp. Về cơ bản, học tập kết hợp là sự kết hợp giữa học trực tiếp truyền thống và học tập dựa trên công nghệ. Mặc dù học kết hợp đã tồn tại trước đại dịch COVID-19, nhưng lại trở nên phổ biến hơn với các trường học và trường đại học trong hai năm đại dịch. Bạn có thể đọc tất cả về phương pháp này trong bài đăng về học tập kết hợp trên blog của chúng tôi.
Sử dụng mô hình học tập kết hợp có thể rất tốt cho cả học sinh và giáo viên vì nó hình thành nền tảng trung gian giữa các phương pháp truyền thống và dựa trên công nghệ. Phương pháp này sử dụng đủ công nghệ để giữ cho học sinh tập trung và hứng thú, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho học sinh trò chuyện trực tiếp với giáo viên và bạn học, điều này có thể là vô giá.
Một số ví dụ tuyệt vời về phương pháp học tập kết hợp bao gồm:
- Vòng quay nhà ga. Học sinh xoay quanh những ‘trạm’ khác nhau trong các giờ học, phương pháp này là sự kết hợp giữa các hoạt động trực tuyến và thực hành.
- Học tập linh hoạt. Học sinh được học trên lớp với giáo viên, nhưng họ chủ yếu sử dụng phương pháp học trực tuyến. Giáo viên luôn có mặt để hỗ trợ và hướng dẫn bất cứ khi nào học sinh cần.
- Thực tế ảo. Học sinh đang ở trong lớp học nhưng có thể sử dụng Thực tế ảo (VR) để hòa mình vào môi trường. Đó có thể là một địa danh lịch sử, phòng trưng bày nghệ thuật hoặc kỳ quan thiên nhiên, với mục đích thu hút sự chú ý và thúc đẩy quá trình học tập của học sinh.
- Học tập ảo phong phú. Các hoạt động và môn học được hoàn thành trực tuyến bằng công nghệ kỹ thuật số, nhưng học sinh có thể sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp khi được yêu cầu.
5. Học tập dựa trên trò chơi (Game-based learning)
Nếu bạn muốn tập trung vào việc làm cho các bài học của mình trở nên vui vẻ, hấp dẫn và tương tác tốt hơn thì không cần tìm đâu xa. Phương pháp học tập dựa trên trò chơi, còn được gọi là trò chơi hóa, là một cách tuyệt vời để thu hút học sinh, đặc biệt là những học sinh ở bậc tiểu học và trung học.
Trò chơi hoá là một chiến lược đưa các yếu tố giống trò chơi vào các hoạt động không phải trò chơi để nâng cao động lực. Vì trẻ em rất hứng thú với các trò chơi, từ trò chơi điện tử và ứng dụng di động đến các trò chơi trên bàn và sân chơi đơn giản, đây có thể là một phương pháp tuyệt vời để bắt đầu.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không nhất thiết phải sử dụng trò chơi trong mọi ngữ cảnh. Đôi khi, các bài học yêu cầu những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn. Ngoài ra, việc học tập dựa trên trò chơi quá nhiều có thể làm mất đi một số niềm vui và động lực mà trẻ cảm thấy.
Dưới đây là một số cách bạn có thể kết hợp việc học dựa trên trò chơi vào các bài học của mình:
- Hệ thống điểm
- Các mức và thanh tiến trình
- Thử thách và cuộc thi
- Phần thưởng độc đáo
- Huy hiệu học tập
6. Lấy học sinh làm trung tâm (Student-centred learning)
Bạn có thể đoán được cách tiếp cận này tập trung vào điều gì – tập trung vào học sinh. Mặc dù sự thành công và hạnh phúc của học sinh luôn là ưu tiên hàng đầu đối với giáo viên, nhưng phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm lại khác với các phương pháp giảng dạy truyền thống.
Phổ biến hơn là phương pháp học tập lấy giáo viên làm trung tâm, yêu cầu giáo viên hướng dẫn và dẫn dắt lớp học trong phần lớn thời gian. Với phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn những gì họ muốn học và cách họ muốn học. Đây còn được gọi là phương pháp học tập cá nhân hóa.
Trong phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được khuyến khích đóng vai trò tích cực trong lớp học, thay vì tham gia vào các hoạt động thụ động hơn như nghe giảng hoặc viết tiểu luận. Họ sẽ có nhiều cuộc thảo luận với bạn học và giáo viên, đồng thời cũng sẽ được khuyến khích đặt câu hỏi, điều này có liên quan đến phương pháp học tập dựa trên câu hỏi.
Một số ví dụ tuyệt vời về cách tiếp cận này bao gồm việc học sinh tham gia vào các cuộc tranh luận, các dự án nhóm nhỏ và các tình huống nhập vai vui nhộn cùng nhau.
Là một giáo viên, nhiệm vụ của bạn là trở thành một người điều hành xuất sắc. Bạn nên khuyến khích học sinh giao tiếp cởi mở, tò mò, sáng tạo và khám phá. Vào cuối một hoạt động trong lớp, giáo viên nên khuyến khích học sinh suy ngẫm về những gì họ đã học được.
————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Bài viết gốc: futurelearn.com
- Người dịch: Lương Phương Thảo
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lương Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9606
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 12